Hãng xe ô tô Việt Nam Vinfast dự kiến sẽ mở nhà máy tại Mỹ vào cuối năm nay, bắt đầu sản xuất xe ô tô điện ở đây từ năm 2024. Trong trả lời phóng viên Bloomberg mới đây, CEO Vinfast thừa nhận “thị trường đầy thách thức”. Điều này thì khỏi cần nói nhiều, cứ nhìn hãng xe điện Tesla thì biết.
Tesla phải đối mặt với khoản lỗ hàng tỷ đô la do các nhà máy mới, các vấn đề về chuỗi cung ứng và đại dịch Covid - đủ để CEO Elon Musk đề cập đến khả năng phá sản trong một cuộc phỏng vấn gần đây, theo CNN.
"Hai năm qua là một cơn ác mộng về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết chuyện này đến chuyện khác", Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với nhóm chủ sở hữu Tesla. "Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi vấn đề này. Đó là mối quan tâm lớn của chúng tôi là làm thế nào để duy trì các nhà máy hoạt động để có thể trả lương cho mọi người và không bị phá sản".
"Hai năm qua là một cơn ác mộng về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết chuyện này đến chuyện khác", Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với nhóm chủ sở hữu Tesla. "Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi vấn đề này. Đó là mối quan tâm lớn của chúng tôi là làm thế nào để duy trì các nhà máy hoạt động để có thể trả lương cho mọi người và không bị phá sản".
Nhưng thực tế Tesla đang đi đến cuối quý khó khăn nhất về mặt tài chính trong hơn hai năm.
Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã phải đóng cửa trong nhiều tuần do bùng phát ở đây. Và Musk tiết lộ trong cuộc phỏng vấn rằng hai nhà máy Tesla mới mở ở Đức và Texas đang khiến công ty thiệt hại hàng tỷ đô la vì các vấn đề chuỗi cung ứng, khiến sản lượng bị giảm mạnh.
"Mọi việc sẽ nhanh chóng được khắc phục", ông ấy nói. "Cả hai nhà máy ở Berlin và Austin lúc này đều là những lò luyện tiền khổng lồ. Berlin và Austin đang lỗ hàng tỷ đô la. Có rất nhiều chi phí và hầu như không có sản lượng”.
Một nhà phân tích cho rằng công ty đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính lớn hơn những gì mà hầu hết không nhận ra.
"Phá sản là một rủi ro thực sự đối với họ", Gordon Johnson của GLJ Research nói với CNN Business hôm thứ Năm. "Tại sao? Rất nhiều tiền mặt của họ bị khóa ở Trung Quốc. Chúng không thể sinh lời chừng nào còn ở Trung Quốc; do Trung Quốc không cho phép các công ty chuyển USD về nước, và đây thực sự là một vấn đề của Tesla”.
Ông Johnson cho rằng việc Tesla quyết định cắt giảm khoảng 10% nhân viên làm công ăn lương - ngay cả khi hãng vẫn tiếp tục thuê công nhân sản xuất theo giờ - là một dấu hiệu rắc rối khác.
Nhưng hầu hết các công ty cắt giảm nhân sự không bao giờ có nghĩa là sắp nộp đơn phá sản đến nơi. Hầu như tất cả các nhà phân tích khác đều dự báo Tesla sẽ vẫn có lãi, bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến nó và hầu hết các nhà sản xuất khác trên toàn cầu.
Tesla đã có lãi từ cuối năm 2018, sau nhiều năm hầu như không báo cáo gì ngoài lỗ. Công ty đã báo cáo lợi nhuận hàng quý tăng so với kỳ trước trong hai năm qua.
Nhưng chuỗi lợi nhuận tăng liên tục đó dường như sắp kết thúc. Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát dự báo thu nhập điều chỉnh trong quý 2 sẽ giảm xuống 2,5 tỷ USD, giảm so với mức kỷ lục 3,7 tỷ USD mà Tesla đã đạt được trong quý đầu tiên. Con số này sẽ vẫn tăng so với mức thu nhập đã điều chỉnh là 1,6 tỷ đô la trong quý 2/2021. Cổ phiếu của Tesla, vốn đã giảm gần một phần ba kể từ đầu năm, đã giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch giữa ngày thứ Năm.
Qua đây, có thể thấy Vinfast không phải đối mặt với những vấn đề như của Tesla: nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa tạm thời, tiền thu về không sinh lời… Tuy nhiên, vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu, khiến sản lượng của hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều giảm. Vinfast đến 2024 mới đi vào sản xuất nên hy vọng vấn đề chuỗi cung ứng khi đó bớt căng thẳng rồi.
Còn lại duy nhất có lẽ là vấn đề vốn. Vinfast dự tính cuối năm nay sẽ huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Nhưng kể cả gọi vốn thành công thì Vinfast cần phải chuẩn bị trường vốn vì sản xuất đòi hỏi rất nhiều vốn, nhất là ở Mỹ, nơi có giá nhân công cao ngất ngưởng.